Lập gia đình được gần 10 năm, cuộc sống cũng vui vẻ với hai nhóc con đáng yêu, một người vợ hiền dịu.
Mặc dù không phải là gia đình giàu có nhưng tiền bạc cũng ở mức đủ chi tiêu, dư dả. Tôi làm kỹ sư, còn vợ là một trợ lý kiêm phiên dịch cho giám đốc của một công ty lớn.
Hai vợ tôi cũng như bao cặp vợ chồng khác. Cưới nhau về được hai năm thì vợ sinh cu Đất, rồi đến bé Trà. Tôi biết công việc ở cơ quan áp lực, đồng thời là chăm nom con cái sẽ khiến vợ tôi vất vả nên tôi đề nghị thuê người giúp việc.

Ban đầu vợ không đồng ý, nhưng sau đó em cũng gật đầu bởi công việc ở nhà khiến em khá vất vả.
Trong những tháng đầu tiên, tôi thấy vợ có được khoảng thời gian để nghỉ ngơi khi không làm việc nhà cũng vui lây. Mặc dù thích ăn cơm vợ nấu nhưng cũng vui vẻ chấp nhận những bữa cơm của cô giúp việc làm sẵn cho cả nhà.
Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, có lẽ vì quá thoải mái khi việc gì cũng có cô giúp việc lo nên vợ tôi đâm ra lười hơn trước. Đi làm về là cô ấy vứt cặp sang bên, dỗ dỗ con vài cái rồi lại hí hoáy nghịch điện thoại đến tận khuya.
Mà điều khiến tôi đau đầu hơn hết, đó chính là cô ấy tăng cường hoạt động mạng xã hội hơn. Mặc dù trước kia hai vợ chồng cũng sử dụng Facebook, nhưng chỉ dùng ở mức thỉnh thoảng lướt cùng nhau, đọc những tin tức cần thiết.
Còn hiện tại, cô ấy cứ liên tục online, đăng status kể lể này nọ. Điều mà giới trẻ ngày nay vẫn thường gọi là “sống ảo”. Thời gian đầu, tôi còn vào xem những dòng trạng thái của vợ, xem những hình ảnh của cô ấy; nhưng dần dần, tôi cảm thấy khó chịu với mức độ “ảo” ngày càng tăng của vợ mình.
Cô ấy liên tục đăng hình khoe về những món quà mà tôi mua tặng (thực ra tự cô ấy mua nhiều hơn tôi mua), những hình ảnh gia đình, những bữa cơm…
Chẳng hạn như, một bức hình về căn nhà sạch sẽ với tựa đề “anh xã nhà em hôm nay phụ vợ dọn dẹp nhà”; hoặc “cơm nước đã sẵn sàng, em chỉ đợi người thương” bên bức ảnh mâm cơm nóng hổi vừa được cô giúp việc dọn lên bàn ăn… Giờ nếu bạn ngồi kéo list ảnh của cô ấy, chắc cũng gần cả ngàn cái chứ chẳng ít. Quả thật, khi vợ trở nên nghiện mạng xã hội như vậy tôi cũng có khuyên nhủ, thì em lại lấy lý do chẳng đâu vào đâu như:
“Em muốn cho cả thế giới và những chị cùng công ty biết rằng, em có một người chồng tuyệt vời.” “Em muốn những cô gái khác biết anh là người đã có vợ.” Vậy nhưng, thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Đã lâu lắm rồi tôi không nhớ rõ, vợ chưa vào bếp nấu cơm cho cả nhà. Đã không còn những câu hỏi ôm đòm “anh về có mệt không?” mà thay vào đó là những bức hình vô tri vô giác cũng những lời ngọt ngào trên thế giới “ảo” của em.

Những lời yêu thương em dành cho tôi trên mạng xã hội, có mấy lần tôi đọc được – và có đọc được hết không? Thay vì vậy, sao em không bày tỏ tình yêu của mình bằng những hành động thiết thực. Chẳng hạn như một nụ hôn, một cái ôm hay một bữa cơm do chính tay em nấu?
Những người cùng cơ quan tôi thường xuyên chỉ trích tôi, có một người vợ “tuyệt vời” như vậy sao lại trân trọng. Nhưng họ nào có biết được sự thật?
Tôi chỉ muốn em trở lại là người phụ nữ như trước kia, là người vợ, người mẹ hiền dịu với tình yêu thực tế. Vì vốn dĩ, nếu em muốn giữ chồng, muốn thể hiện tình yêu với chồng thì Facebook nào có phải nơi để thực hiện điều đó.